ÁP DỤNG NGHỊ ĐỊNH 15/2022/NĐ-CP VỀ VIỆC TÍNH THUẾ GTGT 8% như thế nào?

Ngày 28/01/2022 Chính Phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP, nghị định này có hiệu lực ngay sau đó chỉ 3 ngày và đúng Mùng 1 Tết Nguyên Đán.
Theo đó việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) giảm 2%, từ mức 10% xuống còn 8% đối với hầu hết các loại hàng hóa dịch vụ, trong đó có lĩnh vực Xây dựng công trình.

1. Có được cộng thêm 2% phần chênh lệch thuế GTGT không?
Hầu hết các vật liệu xây dựng được hưởng mức thuế suất thuế GTGT giảm xuống, còn 8%.
Tuy nhiên, một số loại vật liệu có tính chất thô, nguồn gốc từ tài nguyên thiên nhiên như Cát, Đá, Sỏi, Thép… vẫn phải chịu mức thuế GTGT 10% như trước đây.
Vậy khi tính Dự toán chi phí xây dựng công trình hoặc Chiết tính dự thầu có được cộng bù 2% chênh lệch thuế GTGT (10% – 8% = 2%) của các vật liệu chịu thuế GTGT 10% này vào khoản mục chi phí ‘Thuế giá trị gia tăng’ không?

TRẢ LỜI:
Không được cộng bù 2% chênh lệch thuế GTGT nói trên vào khoản mục chi phí ‘Thuế giá trị gia tăng’.
Mà từ ngày 01/02/2022 đến 31/12/2022 thì thuế GTGT chỉ được tính 8% của Chi phí xây dựng trước thuế theo công thức: 8% x G. Trong đó G là chi phí XD trước thuế GTGT.
Có 2 lý do giải thích cho điều này.

+ Thứ nhất:
Luật thuế GTGT nói chung và tại Điều 1, Khoản 3 Nghị định 15/2022/NĐ-CP đã hướng dẫn việc Khấu trừ thuế GTGT.
Theo đó đơn vị thi công sẽ cộng tất cả thuế GTGT đầu vào gồm có thuế của: Cát 10%, Đá 10%, Thép 10%, Gạch lát 8%, Chậu rửa, vòi nước 8%,…. và các loại thuế GTGT đầu vào khác như điện, nước, điện thoại, Internet, xăng xe, ăn uống tiếp khách…. vào được V1 
(đồng).
Tiếp theo đơn vị thi công cộng tất cả thuế GTGT đầu ra của: Công trình xây dựng 8%,… được V2 (đồng).
– Nếu V1 > V2 thì đơn vị thi công được hoàn thuế GTGT với số tiền: V1 – V2 (đồng)
– Nếu V1 < V2 thì đơn vị thi công phải nộp thuế GTGT với số tiền:     V2 – V1 (đồng)
Trong cả 2 trường hợp trên thì khoản thuế GTGT mà đơn vị thi công phải bỏ ra để mua VL trước đó đều được thể hiện và hoàn lại một cách đầy đủ, cho dù nó là 8% hay 10%.

+ Thứ 2:
Nếu cộng bù 2% chênh lệch thuế GTGT nói trên vào khoản mục chi phí ‘Thuế giá trị gia tăng’ thì chủ đầu tư sẽ phải chịu thêm 2% tiền Cát, Đá, Sỏi, Thép… trong khi đó theo luật họ chỉ phải chịu 8% của chi phí XD trước thuế của cả công trình XD theo công thức: 8% x G.
Ngược lại đơn vị thi công lại được khấu trừ thuế GTGT 2 lần của 2% chênh đó. Một lần lấy từ chủ đầu tư và một lần từ ngân sách nhà nước hoàn thuế GTGT.
Như vậy chủ đầu tư sẽ không bao giờ chấp nhận làm sai luật dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế đó cả!
Do đó, với hồ sơ dự toán thì chủ đầu tư sẽ yêu cầu đơn vị tư vấn lập lại.
Với hồ sơ đấu thầu thì nhà thầu sẽ bị đánh trượt ngay lập tức vì sai phương pháp tính thuế GTGT và sai luật.

2. Nhập đơn giá vật liệu
Trong phần mềm Dự toán G8, giá vật liệu được nhập là giá trước thuế GTGT vào cột Giá tháng (cột F) bên sheet Giá tháng, mà không cần quan tâm vật liệu đó chịu mức thuế GTGT 8% hay 10%.

3. Thuế GTGT của công trình
Thuế GTGT của cả công trình là 8%.
Vào menu: Công trình/ Hệ số chi phí xây lắp  để nhập vào ô ‘Hệ số thuế VAT’ là 8%, sau đó nhấn nút ‘Mặc định’ để các công trình mới sau này không cần khai báo lại nữa.

4. Áp dụng thuế suất thuế GTGT 8%
+ Đối với công trình, hạng mục được nghiệm thu, bàn giao trong khoảng thời gian từ ngày 01/02/2022 đến 31/12/2022 thì thuế suất thuế GTGT tính ở mức 8%
+ Đối với công trình, hạng mục được nghiệm thu, bàn giao sau ngày 31/12/2022 thì thuế suất thuế GTGT tính theo luật thuế mới tại thời điểm đó, có thể sẽ lên mức 10% như trước đây.